Không bị ràng buộc bởi ham muốn xác thịt
Tiến sĩ Bill Gaultiere viết và giới thiệu trên trang http://www.SoulShepherding.org
Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho ta thấy điều này. Kinh Thánh cũng nói rất rõ. Hằng ngày Chúa chia sẻ tình yêu của Người cho ta bằng nhiều cách. Đáng buồn thay, có nhiều người không hiểu được tình yêu Thiên Chúa bởi vì, như lời một bài hát đã viết: “Họ tìm kiếm tình yêu không đúng chỗ chút nào”. Họ đang bị kìm kẹp bởi ham muốn xác thịt và nó đang hủy hoại họ và những mối quan hệ với những người họ yêu thương.
Hơn bất cứ ai mà tôi có dịp trò chuyện, những người mắc chứng nghiện tình dục thường cảm thấy thất vọng, hổ thẹn, cô độc và bị mắc kẹt trong một thế giới không có tình yêu. Họ bị bao trùm bởi nỗi trống trải trong lòng và cứ thế dùng ham muốn xác thịt, phim ảnh khiêu dâm và tình dục như một thứ “ma túy chọn lựa” để tự kích thích mình đi vào cảm giác sung sướng “tạm thời.”
Tiến trình của ham muốn
Rất nhiều người hiểu lầm câu nói của Chúa Giêsu: “…Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Matthêu 5,28). Có hai điểm chúng ta cần hiểu rõ: Thứ nhất, Chúa không nói sự ham muốn ấy đồng nghĩa với tội ngoại tình. Hẳn nhiên hành vi ngoại tình khi quan hệ xác thịt gây ra nhiều hâu quả hơn là chỉ thèm muốn trong lòng. Thứ hai, Chúa Giêsu không có ý nói những ý nghĩ ham muốn trong đầu là một tội. Nếu nói theo nghĩa đen như Thánh Matthêu như vậy thì “ hễ ai nhìn phụ nữ đều để thèm muốn…” Nói theo cách khác, tội là ở chỗ người ta chú tâm, nuôi dưỡng sự thèm muốn đó.
Liên quan đến ham muốn và những tội khác, chúng ta cần phân biệt 4 điều dẫn tới tiến trình sau: cám dỗ, suy nghĩ, cảm xúc, ước muốn và tội. Thánh Giacôbê đã nói về tiến trình dẫn đến tội như sau:
Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết. Anh em thân mến của tôi, anh em đừng có lầm lẫn.” (Giacôbê 1, 13-16)
Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ bởi nhiều thứ tội ví dụ như ham muốn xác thịt. Ngay cả Chúa Giêsu cũng chịu thử thách cám dỗ (Thư Do thái 4,15). Tên Lừa dối (ma quỷ) đóng vai trò cám dỗ chúng ta phạm tội, cùng với những kẻ tội lỗi vây quanh ta trong thế giới, cùng với bản chất tội lỗi của ta.
Khi cám dỗ thèm muốn xác thịt đến với ta, nó đi kèm ý nghĩ “Mi không muốn bỏ lỡ cơ hội này!” Còn hơn cả ý nghĩ, đó là sự lừa bịp. Sự thèm muốn cảm thấy hứng khởi với những ai chẳng biết gì hơn ngàoi chuyện đó nhưng nó không phải là cơ hội và nó chẳng tốt lành gì. Chẳng có tình yêu, niềm vui hay bình an trong sự thèm muốn này cả. Không có cả sự thân tình. Loại suy nghĩ ham muốn này không phải là tội. Tuy nhiên, điều này thật là điên rồ và tốt hơn hết nên loại trừ ý nghĩ như vậy đi mà thay bằng những suy tư từ Kinh thánh và suy nghĩ theo lý lẽ.
Nếu bạn chấp nhận xem nó như một “cơ hội” thì ý nghĩ thèm muốn sẽ dẫn tới cảm xúc. Bản thân cảm xúc không là tội nhưng nó sẽ trở thành nguy hiểm vì nó có thể bắt đầu làm ý chí đi xuống. Một khi suy nghĩ và cảm giác tội đi vào lòng người để rồi người đó thèm muốn ai đó, khi đó anh ta / chị ta đã vượt qua giới hạn.
Nếu ham muốn đó cư ngụ trong lòng bạn, đúng hơn là trong ý định của bạn, ngay cả khi chỉ mỗi mình bạn và Chúa biết lúc đó, thì cuối cùng cái mà bạn gọi là “cơ hội” ấy sẽ bộc lộ hoàn toàn trong hành vi dâm dục.Tội lỗi sẽ đánh lừa người ta và như Thánh Giacôbê nói, nó đem tới chết chóc và hủy diệt. Khi ấy, người ta trở thành loại người sẵn sàng làm chuyện dâm dục.
Chúa Giêsu nói rằng sẽ chẳng ích gì ngăn lại những hành động dâm dục mà hãy đi vào căn nguyên của hành động ấy và học cách không chú tâm đến những ham muốn xác thịt.
Nghiện sự hưng phấn
Nếu bạn đã từng ngồi trên một chiếc xe trượt, lao dốc thật nhanh trong công viên giải trí, bạn sẽ biết adrenalin (chất tạo kích thích) dồn lên trong não như thế nào. Ngày nay có vô số cách để đạt được kích thích như thế trong nền văn hóa của chúng ta. Chỉ cần tới rạp chiếu phim gần nhà, bạn đã có biết bao lựa chọn để xem: hồi hộp, mãnh liệt, kinh sợ hoặc tình cảm dạt dào. Nhiều người đã trở nên lệ thuộc dòng chảy kích thích liên tục này để cảm nhận khoái lạc.
Điều này rất đúng với những người nghiện tình dục. Họ phấn khích và theo đuổi kích thích ấy. Họ liều mình lao vào các hoạt động tình dục, với những bất ổn, họ duy trì khoái lạc tình dục cao độ, làm adrenalin và sự hưng phấn dâng lên. Các trung tâm khoái cảm trong não họ tràn ngập bởi những chất giống như thuốc phiện.
Nhưng sau đó, khi cuộc vui chấm dứt. Họ không thể tìm được điều họ thực sự cần và kết thúc cuộc vui trong cảm giác tệ hại hơn – cho tới khi họ quay lại với tình dục bất chính và càng lúc càng bị kẹt trong chu kì nghiện ngập và một cuộc sống không có tình yêu đích thực.
Tôi chưa từng nói với ai điều này bao giờ
Hết lần này lại lần khác, những người tìm đến chúng tôi thường nói: “Trước đây tôi chưa kể với ai chuyện này, nhưng tôi đang làm chuyện dâm ô…tôi đang ngoại tình…tôi thường hay “chat” sex …tôi không thể không gọi đến số điện thoại này…tôi đã quan hệ với người đó…tôi đã đi mát-xa trá hình và…”
Nhất là đối với chức sắc tôn giáo và những người theo Chúa, những thúc ép tình dục làm họ lúng túng vô cùng. Có thể họ cảm thấy tệ hại về những gì đang làm, có thể họ bị quấy nhiễu bởi mâu thuẫn giữa đức tin và hành vi suy đồi mà họ cứ tái phạm. Họ thậm chí ý thức được sự việc đang gặm nhấm họ và nỗi trống trải trong tâm hồn, nhưng họ không thể dừng lại được. Họ giữ bí mật.
Cho tới khi bị bắt quả tang.
Anh ta không nghĩ rằng anh ấy có vấn đề
“ Tôi không cho đó là chuyện lớn”. Larry (tên đã được đổi) kể. “Vợ tôi vẫn còn tức giận vì chuyện này nhưng tôi đã quẳng sách báo và phim ảnh đó đi rồi.” Cuối cùng anh ta cũng bị vợ phát hiện.
Larry đã sống hai mặt cùng với bí mật. Anh ấy đi dạy giáo lý vào các ngày Chủ Nhật và thường hướng dẫn cả nhà cầu nguyện trước khi ăn. Thế nhưng, cứ hai ba tuần anh ta lại có một cuộc truy hoan: thức khuya xem phim khiêu dâm và tiến hành thủ dâm trong văn phòng. Anh ấy đã phải chiến đấu khổ sở với chuyện này suốt bảy năm trời sau khi đã cưới vợ. “Chuyện này không giống như việc tôi đã quan hệ với một phụ nữ khác.” Anh ta cố bào chữa với tôi như thế.
Cô vợ cảm thấy bị lừa dối vì quả thực đã bị anh ấy lừa dối. Anh ta đã ngoại tình trong tư tưởng. Giờ đây cô ấy hiểu được vì sao chồng mình lại không muốn vào giường cùng cô ấy trong nhiều đêm và tại sao cô ấy cảm thấy thật xa cách chồng hầu như mọi lúc nhưng lại đau đớn trong những lần quan hệ ít ỏi với anh ấy. “Thật chẳng giống như “yêu nhau” chút nào, cô ấy khóc. Thậm chí đôi lần tôi đã hỏi anh ấy có ngoại tình không, nhưng anh ấy chối.”
Giờ đây tôi đã biết điều gì đang xảy ra, cô ta dường như không chấp nhận những lời lừa dối, lý do và những lời biện minh nữa. Vì muốn cứu vãn cuộc hôn nhân và vì đứa con, cô ấy kiên quyết: “Anh phải tìm cách chữa trị hoặc chúng ta phải tính chuyện ly hôn.”
Hiểu biết về chứng nghiện tình dục
Một điều nhiển nhiên là không phải ai cũng vướng vào tình dục suy đồi như là một chứng nghiện. Để hiểu vấn đề ‘hành vi tình dục không thể cưỡng lại’ (compulsive sexual behavior – tạm dịch) nghiêm trọng thế nào, tôi đã phát triển nhóm kí tự ‘A-N-A-D-D-I-C-T’ (nghĩa là ‘nghiện’)để nhận dạng những triệu chứng của bất cứ chứng nghiện nào. Ở đây tôi đã áp dụng phép thử này cho chứng nghiện tình dục.
Nếu có vài triệu chứng được mô tả đúng với trường hợp của bạn hoặc đúng với người bạn đang quan tâm thì hãy dùng phép thử sau đây:
Phải chăng bạn (hoặc người bạn quan tâm) đang có vấn đề với hành vi tình dục không thể cưỡng lại? Có phải hành vi tình dục của bạn đã trở nên một sức ép làm xua tan niềm vui thú trong các mối quan hệ hoặc năng suất trong công việc? Hãy dùng phép thử “A-N A-D-D-I-C-T” để tìm ra.
1. Alone (Cô đơn)? Phải chăng bạn cảm thấy xa cách trong suốt thời gian ân ái với người yêu? Phải chăng bạn muốn lìa bỏ người yêu sau khi ân ái? Bạn có thủ dâm vì xem phim ảnh đồi trụy không?
2. Non-Premeditated Use (Không suy xét)? Phải chăng gia đình, bạn bè hoặc lương tâm mách bảo bạn phải dừng lại một hành vi tình dục nhưng bạn vẫn tiếp tục hành động theo nó? Bạn vẫn tiếp tục nghe theo thúc ép dục tính cho dù hậu quả có tiêu cực đến thế nào đi nữa? (cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn trong hôn nhân, nguy cơ hoặc khả năng lây nhiễm bệnh, nguy cơ làm có thai)?
3. Amnesia (Hay quên)? Đối với bạn, phải chăng thì giờ cứ vùn vụt trôi qua trong tích tắc khi bạn cho phép mình thỏa mãn những thôi thúc của dục tình? Có khi nào bạn quên mất một cuộc hẹn hay những lời hứa vì hành động theo dục tình?
4. Depend On High? (Lệ thuộc vào khoái cảm)? Phải chăng sự hưng phấn và khoái cảm của hoạt động tình dục làm bạn cảm thấy dễ chịu? Bạn có cảm giác bồn chồn, cáu kỉnh hay chán nản, trì trệ khi phải chịu đựng một khoảng thời gian dài không sinh hoạt tình dục? Bạn có bao giờ thất bại khi thử cắt đứt hoặc dừng lại sự thôi thúc của dục tình không?
5. Distracted (Xao lãng, phân tâm)? Có khi nào bạn bị chi phối bởi những ý nghĩ về tính dục? Phải chăng bạn hay tìm kiếm những kích thích được khơi gợi bởi các phương tiện truyền thông hoặc những người xung quanh bạn? Có bao giờ năng suất làm việc hoặc điểm số trong lớp của bạn kém đi do cám dỗ tình dục?
6. Increased tolerance (Sức chịu đựng tăng dần)? Phải chăng bạn có thể “làm chuyện ấy” nhiều hơn những người khác? Phải chăng các hoạt động tình dục nhiều lần và nhiều kiểu mang đến cho bạn cảm giác khoái lạc bạn tìm kiếm?
7. Conceal supply? (Che đậy nguồn cung cấp)? Phải chăng bạn có những cách thức bí mật để tìm đến những kích thích tình dục? Bạn có nói dối để che đậy hành vi tình dục của bạn không?
8. Tranquilizer? (Liều thuốc an thần)? Bạn có sử dụng tình dục như một phương tiện để thoát khỏi cảm giác chán chường, tội lỗi, âu lo hay để cảm thấy thoải mái hơn không? Bạn có dùng tình dục để quên đi vấn đề hay mâu thuẫn mà bạn đang gặp không?
Cách tính điểm: Nếu bạn trả lời “Có” với 3 hoặc hơn 3 câu hỏi, điều đó cho thấy bạn có vấn đề với sự thôi thúc của dục tính. Để được chẩn đoán và chữa trị riêng, hãy đến bác sĩ tâm lý để được tham vấn.
Theo http://www.soulshepherding.org/articles/self-assessment/sexual-addiction-survey/
Những điều lừa dối về tình dục
Nếu bạn có thể bước vào não bộ của người nghiện tình dục và nghe xem anh ta (chứng này thường gặp ở nam giới hơn nữ giới) đang nói những gì với chính họ, thì các lời ấy sẽ đại loại như sau:
“Ai cũng làm chuyện đó.” (thực hiện hành vi tình dục sai trái)
“Chẳng có gì nghiêm trọng cả. Ngay cả tổng thống cũng làm vậy.”
“Anh ấy/ Cô ấy cũng muốn thế nên mới ăn mặc như vậy.” (khi nghĩ về đối tượng)
“Tôi có thể vượt qua được, nếu tôi muốn.”
“Mình không thể nói cho ai biết chuyện này được. Họ không thể nào chấp nhận mình.”
“Không ai biết cả, việc này chẳng hại gì ai.”
“ Tôi sẽ không để ai phát hiện.”
“Tôi phải làm chuyện này mới được. Tôi xứng đáng được như thế. Cũng ổn thôi mà.”
“Chuyện đó sẽ không hủy hoại cuộc hôn nhân của tôi.”
“Hành động thôi. Mình sẽ thấy dễ chịu hơn.”
Những điều lừa dối như thế là một dạng phủ nhận sự thật. Đó là cách thức mà người nghiện tình dục thanh minh cho việc họ làm, họ ý thức về sự bất lực của mình trước vấn đề ấy. Nhận định những việc trên và làm họ quay về với sự thật là một phần quan trọng trong việc chữa trị.
Nỗi đau theo chu kì
Cũng như những người có vấn đề với hành vi tình dục không thể cưỡng lại, người nghiện tình dục cứ liên tục tái tạo nỗi đau của họ theo kiểu lặp đi lặp lại.
Ngòi nổ cảm xúc
Người nghiện tình dục là những người bị tổn thương. Chính nỗi đau khởi sự chu kì nghiện. Ví dụ, có đến 4 trong 5 người nghiện đã bị chấn thương tình dục hoặc bị xâm hại thân xác khi còn nhỏ tuổi. Hầu hết tất cả các trường hợp đã bị chấn thương tình cảm hoặc bị bỏ bê. Không lạ gì khi họ xâm hại người khác và dường như không thể nào thỏa mãn được nhu cầu tình cảm của họ!
Việc bị lạm dụng tình dục gây ra cho người bị hại cảm giác tệ hại, bối rối hoặc tủi hổ. Cảm thấy mình thật tệ là nỗi đau làm suy yếu và gây đau đớn nhất trong tất cả những vần đề liên quan đến cảm xúc. Đó là nơi mà “cha đẻ của lời dối trá” có thể đánh lừa chúng ta, làm chúng ta tin vào mọi điều sai sự thật, trong trường hợp này là những lừa dối về bản thân như sau:
“Tôi có thể bị ngược đãi.”
“Chẳng có ai thực sự muốn hiểu tôi.”
“Tôi thiếu tự tin, quá nhạy cảm, quá đa cảm.”
“Chẳng có hy vọng gì. Tôi không thể khá hơn được.”
Hổ thẹn thường đi với ngờ vực. Những người đã bị xâm hại tình dục bị thương tổn rất nặng và thường hay cô lập mình trong sợ hãi và suy sụp nhưng họ không thể cứ ở trong tình trạng ấy mãi nên rốt cuộc cũng tìm đến với một ai đó một cách thật thảm thương. Vì người “đáng tin” của họ đã bị hủy hoại nên có thể sẽ là một ai đó, người có thể lợi dụng họ cách này hay cách khác.
Người bị lạm dụng tình dục có thể xúi giục nạn nhân lạm dụng người khác. Đây là cách để có được thế “thượng phong” với quyền kiểm soát người khác nhằm tránh rơi vào thế bị kiểm soát vốn rất dễ bị tổn thương. Việc này không chỉ làm lan rộng nỗi đau và sự hổ thẹn của việc lạm dụng người khác, nhưng nó còn thêm vào tội lỗi và nhiều vấn đề nhức nhối cho nạn nhân.
Nỗi đau tình cảm cứ tồn tại trong con người và càng lúc càng dâng cao. Nó mài mòn con người. Không thể kềm nén hay tránh khỏi, cuối cùng nó được châm ngòi, tăng cường và trở nên không thể chịu đựng được nữa.
Ham muốn
Những người nghiện ham muốn có thói quen ứng phó với nỗi đau và những nhu cầu không được thỏa mãn của họ bằng cách làm “hấp dẫn” chúng lên về mặt tình dục. Họ chuyển những khát vọng tự nhiên hoặc xu hướng tính dục của họ thành một nhu cầu – không chỉ là niềm vui và nhu cầu thỏa mãn thân xác nhưng là cảm giác được gắn kết với một ai đó, cảm giác được chấp nhận, được ước muốn, được quý trọng. Và hiển nhiên, tình dục không thể mang lại cho họ tí gì như họ mong!
Họ phát triển những ý tưởng, hình ảnh tưởng tượng về tình dục, họ nghĩ rằng tình dục trong một vài hình thức nào đó sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn hoặc sẽ lấp đầy nỗi trống trải nội tâm. Họ có thể bước vào “không gian tình dục”, nơi mà tình dục là tất cả những gì họ hướng tới và làm bất cứ điều gì để có được nó. Họ muốn và càng muốn thỏa mãn tình dục nhiều hơn và nhận ra rằng họ không thể không suy nghĩ về chúng.
Tiến trình, cách thức
Những ý tưởng, hình ảnh tưởng tượng về tình dục dẫn tới những trình tự, cách thức. Cách thức là sự lặp đi lặp lại, những hành vi không ý thức là cách thức mà người nghiện chuẩn bị khi dấn thân vào ‘hành vi tình dục không thể cưỡng lại’. Sự hưng phấn, khuấy động, và cảm giác sảng khoái mái bắt đầu được dựng lên. Họ hợp lý hóa chúng vì cho rằng “họ chưa làm gì sai trái cả”.
Những ví dụ có thể liên quan đến trình tự này bao gồm như việc đi ra máy ATM để rút tiền, rảo quanh công viên hoặc đường phố nơi họ có thể tiếp cận tình dục, tìm một lý do nào đó để đến một cửa hàng gần nơi bán băng đĩa khiêu dâm, uống một chút gì đó (để giảm bớt ức chế), lướt web để tìm hình ảnh hoặc bắt đầu vào chat room hoặc ve vãn ai đó.
Thực hiện
Sau cùng người nghiện bắt đầu ‘thể hiện’. Anh ta (hoặc cô ta) thực hiện những ý tưởng tình dục, ví dụ như mua một đống sách báo hoặc phim khiêu dâm, gọi vào đường dây sex, hoặc ‘cấu kết’ với ai đang muốn quan hệ tình dục. Và thế là một bộ sưu tập hình ảnh hoặc trải nghiệm mới được thêm vào ‘thư viện khiêu dâm’ trong đầu của anh ta, anh ta thực hiện việc này càng lúc càng dễ dàng hơn và tiếp tục gia tăng hành động ‘không thể cưỡng lại’ này. Cứ thế người nghiện tình dục cảm thấy phải làm một điều gì đó hưng phấn hơn ở lần tiếp theo để có được cái họ khát khao. (Đây còn gọi là “sự chịu đựng” nỗi đau).
Cảm giác tội lỗi
Mặc dù việc tưởng tượng, kiểu cách hóa và thực hiện hành vi sẽ tạo ra hưng phấn cho người nghiện, nhưng cảm giác thích thú ấy không kéo dài được lâu trước khi họ bị đánh gục bởi cảm giác tội lỗi và ân hận. Và vì chu kì ấy cứ tiếp diễn với những việc thực hiện hành vi mỗi lúc một nhiều và xấu hơn nên nỗi đau cũng càng lúc càng tệ hơn.
Khám phá những nhu cầu của bản thân
Sự yêu thương, niềm vui và an bình là tất cả những phẩm chất họ cần vun trồng. Những hoa trái này của Thần Khí (Galát 5, 22-25) không phải là những cảm xúc, chúng là điều kiện để sống và tồn tại, là đặc điểm của Thiên Chúa và những người thánh thiện. Chúng không chỉ bao gồm cảm xúc mà còn cả thái độ và quan điểm, khả năng gắn kết và chọn lựa.
Người nghiện tình dục có rất ít niềm vui, tình yêu và an bình trong cuộc sống. Họ cần nhận ra rằng họ đang lấy ham muốn để thế chỗ cho tình yêu, hưng phấn để thay cho niềm vui, tê tái và cách biệt trong tâm hồn thay cho niềm an bình. Họ cũng có thể dùng quyền lực và gây hấn với người khác để thế chỗ lòng tự trọng.
Họ cần học cách đạt được những nhu cầu đích thực để trở nên một con người mới từ bên trong.
Hãy để tôi minh họa: Mark đến nhờ tôi giúp khi anh ta phát hiện mình bị mắc một bệnh lây qua đường tình dục. Anh ấy độc thân, độ tuổi khoảng hơn 30. Anh đã chống chọi với chứng trầm cảm ở mức vừa phải đã lâu. Cảm thấy trống trải, tách biệt với xung quanh, anh ta lao vào công việc để đối phó. Anh ấy tìm kiếm chuyện phòng the nơi những phụ nữ anh gặp ở các buổi tiệc.
Anh ta kể với tôi, “khi tôi ở cùng một phụ nữ mà tôi muốn quan hệ, tôi cảm thấy mình sống động. Tôi vui và cảm thấy được tiếp thêm sinh lực, sẵng sàng giải quyết mọi chuyện đang đến theo cách của tôi.”
Thế nhưng niềm vui ấy không kéo dài, ngay cả mối quan hệ của anh ta với những người ấy. Trong thâm tâm, anh ấy càng lúc càng cảm thấy trống trải và tách biệt. Tôi nói với anh ta rằng, anh đang nuôi dưỡng một quả tim khóa kín.
Bằng cách lao vào và lao ra những mối quan hệ tình dục như thế, anh ta đang ép mình (và cả người phụ nữ anh ấy quan hệ) liên hệ và cắt đứt tình cảm một cách liên tục. Anh ta thú nhận rằng mình không còn nhạy cảm và thương yêu như trước đây. “Tôi đã bị đánh lừa.” Anh ấy than thở sau khi vừa kết thúc một mối quan hệ khác. “Tôi biết điều này chẳng hay ho gì nhưng tôi không thể dừng lại được. Tôi nghĩ tôi phải đi điều trị.”
Mark đã ham muốn chứ không yêu. Anh ta đôi khi đã hưng phấn nhưng không thể vui thỏa lâu dài. Anh ta thỏa mãn ham muốn của mình và thoát khỏi sự giằng co chống lại ham muốn một cách tạm thời nhưng anh không bình an thật sự.
Anh ấy cần học cách dừng lại việc “hấp dẫn hóa” những nhu cầu tình cảm và thay thế bằng việc chữa trị cho chính mình.
Việc hồi phục tùy thuộc nơi bạn
Đối với một vấn đề tâm lý, không có gì là không thể cứu chữa được, ngay cả khi nếu người ấy bị lạm dụng trong quá khứ. Rõ ràng việc lạm dụng là sai trái và thật không công bằng cho người bị lạm dụng nếu phải mang lấy nỗi đau không phải do mình gây nên.
Nhưng có một sự thật khắc nghiệt là việc hồi phục của tôi và chữa lành cảm xúc của tôi là tùy thuộc vào “tôi” – không ai có thể làm thay tôi được – tôi phải học cách tiến gần đến Chúa Giêsu và thấm đẫm ơn sủng và chân lý của Ngài lên cuộc đời tôi. Tôi phải gánh lấy trách nhiệm với nỗi đau của tôi cũng như những gì xấu và không lành mạnh mà tôi đã lựa chọn cho tình thế khó chịu của tôi.
Bước tới tự do
Giờ đây tôi muốn đi đến những điểm đặc biệt và riêng tư nhất. Nếu bạn là người đang phải chiến đấu với hành vi tính dục ‘không thể cưỡng lại’, thì đây chính là điều tôi muốn nói với bạn. Bạn thực sự muốn được giúp không? Bạn cần dốc lòng thoát khỏi ham muốn và trở nên tự do để có thể yêu thương. Đây là bốn bước quan trọng.
– Hãy nhận lấy trách nhiệm và sự trợ giúp
Bạn phải tha thiết kêu lên cùng Chúa để Ngài giúp sức. Nó giải thích vì sao Bước 1 và 2 trong 12 Bước của Cẩm nang ‘Lòng Dũng Cảm’ như sau: “Chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta bất lực vì lệ thuộc vào tình dục và cuộc sống chúng ta đã trở nên không thể kiểm soát được. Chúng ta quy hướng đời sống và ý muốn của ta về sức mạnh của Chúa.
Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mátthêu 6,24). Ngài còn dạy rằng tự do sẽ đến với ai biết tìm kiếm sự thật và tuân giữ lời Ngài (Gioan 8,31-32).
Thế nên bạn cần nói thật với Chúa và với người khác. Bạn cần phải kể hết lối sống tình dục của bạn từ quá khứ đến hiện tại cho ít nhất một người mà bạn tin cậy. Một nơi phù hợp để bắt đầu đó là việc gia nhập chương trình 12 Bước. Điều này cần thiết vì những người nghiện đã bình phục sẽ giữ bạn sống có trách nhiệm nếu bạn yêu cầu họ làm thế.
Tìm người bảo trợ, kết bạn và thực hành những bước chỉ dẫn. Bạn cần có trách nhiệm. Bạn cần sự nâng đỡ. Bạn cần một tổ chức. Bạn cần một nơi chốn để thay thế cho việc hành động theo dục tính.
Việc điều trị cũng quan trọng vì những lý do nêu trên và cũng để giúp bạn cảm nghiệm sự nâng đỡ, chữa lành những vết thương từ thuở nhỏ cũng như giải quyết những mâu thuẫn nội tâm. Nếu bạn đã kết hôn, việc quan trọng phải lưu ý là vợ (hoặc chồng) bạn không phải là đối tượng tốt để giữ bạn có trách nhiệm vì điều này sẽ gây đau lòng và làm bối rối.
– Hãy nói ra
Một nguyên lý quan trọng cho những ai đang phải chiến đấu với những hành vi không thể cưỡng lại này là học cách “nói ra điều ấy” để bạn không “thực hiện hành vi ấy”. Bạn cần biết rằng bạn có thể tìm sự khuây khỏa, sự quan tâm, nguồn an ủi và nâng đỡ bằng cách “nói ra” những khó khăn, cảm xúc và nhu cầu với người bạn tin cậy để “nhận lấy” sự an ủi và động viên mà bạn cần.
Hãy nói bức xúc ấy ra và đón nhận sự quan tâm của người khác. Như thế, bạn sẽ không hành động theo tội lỗi dục tính để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của mình.
Với cách này, bạn sẽ bạn học biết cách đáp ứng nhu cầu của bản thân bằng sự liên hệ với người khác thay vì hấp dẫn hóa chúng lên về mặt tình dục, vốn dĩ chỉ làm sự việc tồi tệ hơn cho bạn và người khác mà thôi. Bằng quá trình tập “nói ra” điều này, bạn sẽ học cách đạt được sự kềm chế có ý thức hơn để vượt qua sự vô ý thức và phản ứng khi hấp dẫn hóa những nhu cầu đó lên về mặt tình dục.
Mục tiêu của bạn là phải học cách rèn luyện bản thân để “nói ra” ngay khi bạn cảm nhận nỗi đau hoặc nhu cầu tình cảm (cắt đứt ngay giai đoạn đầu – Ngòi nổ cảm xúc – của “Chu kì nghiện”). Nếu không được như thế, hy vọng bạn có thể cắt đứt khi nhận thấy mình đang bắt đầu tưởng tượng hoặc bắt đầu cảm thấy bị cám dỗ (giai đoạn 2 – Ham muốn), hoặc khi bạn bắt đầu mon men đến bờ vực (giai đoạn 3 – Tiến trình), hoặc khi bạn bắt đầu thực hiện hành vi (gia đoạn 4 – Thực hiện).
-Hãy tìm kiếm nguồn vui lành mạnh
Để có thể thôi chạy theo những cơn hưng phấn khi thực hiện hành vi tính dục, bạn cần thêm vào cho mình những nguồn vui mới qua những sở thích, thể dục thể thao hoặc dành thời gian ở cùng bạn bè. Bạn cần tập trung vào những niềm vui đơn giản khác nhau trong cuộc sống như đi bộ trong công viên, ngắm cảnh hoàng hôn, chơi đùa cùng trẻ nhỏ, thư giãn, trò chuyện cùng một người bạn hoặc suy niệm thinh lặng bằng cầu nguyện hoặc học hỏi Kinh Thánh.
Những nguồn vui ấy sẽ không cho bạn sự hưng phấn “cực đỉnh” giống như bạn muốn, nhưng nếu bạn đủ tỉnh táo và thậm chí nếu bạn cho phép mình đôi khi cảm thấy chán chường (khi để trung tâm tạo khoái cảm trong não nghỉ ngơi), bạn sẽ nhận thấy những nguồn vui ấy thật sự dễ chịu hơn, ý nghĩa hơn và lưu lại lâu hơn những hưng phấn bất chính mà bạn đã thèm khát.
-Hãy suy niệm với Kinh Thánh
Như đã nói ở trên, hòa quyện với hành vi tình dục “không thể cưỡng lại” và những vết thương tình cảm là những điều dối trá. Chúng cần được thay thế bởi sự thật của Thiên Chúa, nhất là khi chúng được tìm thấy trong Kinh Thánh. Bạn cần suy niệm sâu theo Kinh Thánh để sự sống của Thiên Chúa hun đúc bạn và thông truyền đến bạn. Một điểm khởi đầu tốt để có thể sử dụng Kinh Thánh cho “Nhận dạng con người chúng ta trong Chúa”. (link)
-Hãy hiến dâng đôi mắt của bạn cho Chúa
Ham muốn là một chứng nghiện của đôi mắt. để vựot qua điều này, bạn cần học cách dâng hiến đôi mắt của mình cho Chúa Giêsu cho đến khi vẻ đẹp của Ngài làm bạn ‘mê đắm’ và vương quốc nước trời ‘chiếm hữu’ bạn. Trong thư gửi các tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã cảnh báo chúng ta không được mang những phần thân thể của mình phục vụ tội lỗi vốn dẫn ta đến sự chết nhưng vì con người được cứu chuộc để sống nên ta phải dâng hiến thân xác ta cho Chúa như “công cụ của đức công chính” (Rôma 6,13).
Đôi mắt cầu nguyện (link) là một lời nguyện ngắn được gợi hứng từ Thánh vịnh 101 và những lời Kinh Thánh mà tôi nói sẽ giúp bạn từ bỏ ham muốn của đôi mắt và hiến dâng đôi mắt ấy cho Chúa Giêsu.
-Hãy đặt mình trước sự hiện diện của Chúa
Tội từ trong tâm mà ra làm con người không hạnh phúc.
Cơ hội lớn nhất trong đời là học cách tìm lấy niềm vui trong Chúa giữa chúng ta, vui thỏa trong Ngài (Thánh vịnh 37,4) và trông cậy vào sự viên mãn của Ngài để thỏa mãn tất cả nhu cầu của ta (Philípphê 4,19). Đó gọi là cảm nhận sự hiện diện của Chúa, việc rất cần thiết để có thể thoát khỏi gọng kìm chết người của ham muốn. Mục đích là để ta có thể nói như vua David “Tôi đã đặt Chúa luôn luôn trước mặt tôi bởi Ngài luôn ở cánh tay phải của tôi và tôi không bị lay chuyển” (Thánh vịnh 16,8). Chúng ta cần học cách cầu nguyện nhiều hơn nữa để trở nên “cầu nguyện không ngừng” (1 Thêxalônica 5,17) như Thánh Phaolô đã làm.
Bằng cách nào? Hãy cố gắng cầu nguyện bằng những câu Kinh Thánh trong ngày, ví dụ như “Chúa vui thỏa trong con…con vui thỏa trong Chúa” (gợi hứng từ Thánh vịnh 18,19; 37,4; 23). Hoặc hãy lưu giữ trong tâm trí bạn hình ảnh Chúa Giêsu đang mỉm cười với cánh tay rộng mở hướng về bạn. Có rất nhiều Lời nguyện bằng hơi thở từ Kinh Thánh (link) mà bạn có thể dùng để thực thi sự hiện diện của Chúa.
Nếu Satan bày ra một cám dỗ để làm bạn ham muốn đang lúc bạn đang trong trạng thái cầu nguyện, hãy suy niệm một lời Chúa và bạn sẽ cảm thấy dễ dàng từ bỏ ham muốn kia và vui thỏa trong Chúa.
-Hãy chuẩn bị trước để giảm thiểu cám dỗ
Nếu bạn đang gặp vấn đề với hành vi tình dục thôi thúc, không thể cưỡng lại thì một trong những điều quan trọng tôi có thể nói với bạn là hãy kịp thời chuẩn bị sức mạnh để đối phó trước những yếu đuối và cám dỗ. Ví dụ, bạn có thể gọi trước cho khách sạn nơi bạn sẽ đến, bảo họ tắt đi những kênh phim khiêu dâm, hoặc không cho phép mình lởn vởn những tiệm băng đĩa bậy bạ, không đi qua quầy sách báo “nhạy cảm”, đặt chế độ ngăn chặn web xấu hoặc không dùng loại thẻ tín dụng có thể thanh toán dịch vụ sex đen.
Và cũng rất hữu ích nếu bạn tạo nên một “bộ dụng cụ cấp cứu” để lôi ra khi “có chuyện”. Hãy đặt vào đó một danh sách các số điện thoại có thể hỗ trợ, một bức ảnh trẻ thơ (người bạn cần chăm sóc và bảo vệ), một tấm ảnh gia đình (những người bạn yêu mến, người quan tâm hoặc cần bạn chăm sóc, những người bạn không thể làm họ tổn thương), những câu Kinh Thánh, lời động viên hoặc quyển cẩm nang 12 Bước.
Điều tôi đang nói ở đây là bạn hãy “Cầu nguyện trước khi bạn vấp ngã”.(link)
-Những chiến thắng nho nhỏ
Chiến thắng tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa. Một nhà thông thạo Kinh Thánh được linh hứng bởi Thần Khí đã nói: “Vì chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được,…” (Châm ngôn 24,16)
Làm sao có thể nên công chính nếu người ấy cứ tiếp tục vấp ngã? Vì người ấy tiếp tục đứng lên lại lần nữa với sự giúp sức của Chúa. Tại sao anh ta lại ngã đến 7 lần? Số 7 là con số con số hoàn hảo của Thiên Chúa – chúng ta luôn có chỗ trong ơn sủng của Ngài dành cho ta, để dù có vấp ngã nhiều lần thế nào, ta cũng phải học cách với lấy tay Ngài để được nâng dậy.
Trong tiến trình hồi phục khỏi hành vi “không thể cưỡng lại”, đòi hỏi phải xem xét việc giảm thiểu mật độ thực hiện hành vi – hoặc dừng ngay bản thân lại lúc cảm thấy “bắt đầu bị trượt ngã” và khi chưa lao vào “cuộc vui” một cách hết mình – đó chính là thành công.
Sau hết, dù bạn có thất bại, đừng nghĩ rằng mọi thứ đã quá trễ. Bạn vẫn có thể “nói ra” sau khi đã hành động. Hãy đi xưng tội và kể với Chúa sa ngã của bạn và nói với người bạn tin tưởng, hãy tìm kiếm sự thứ tha và dũng lực mới để quay về trong sự hồi phục (xem 1 Ga 1,9 và Gc 5,16). Việc này thậm chí có thể được điều chỉnh lại theo chiều hướng tích cực vì bạn không còn giữ nó như một bí mật nữa và bạn đang được giúp đỡ từ người khác!
————————–
….Vướng bẫy internet…