6 Lĩnh vực phát triển con người

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.”
(Gioan 14,1)

 Cảm giác như tôi không có sự chọn lựa.
Nhiều người kết luận về những cám dỗ đồng tính của họ: “Tôi không chọn ĐTLA. Nhưng nó vẫn tồn tại. Tôi nghĩ chắc hẳn nó là bản chất của tôi. Tôi nghĩ tôi nên hành động theo những cảm xúc ấy.” Và họ đã hành động như thế. Nhiều nhà tư vấn – cùng với Oprah Winfrey, Ellen, Ann Landers, và hầu hết những phương tiện khởi xướng các trào lưu xã hội như các kênh  MTV, VH1, HBO và các chương trình truyền thông khác đều đưa ra những lời khuyên như thế.

Cảm giác tôi sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện này
Tuy nhiên có mọt số người kiên quyết chống lại lời khuyên ấy và nghĩ “Tôi không chọn ĐTLA, tôi không muốn có nó, tôi không việc gì phải hành động theo cảm xúc ấy.” Phần lớn các nhà tâm lý, các nhà tư vấn và ngay cả giới tu sĩ được đào tạo để hướng người ta thay đổi suy nghĩ ấy, hướng người ta tới việc chấp nhận một não trạng và triết lý phù hợp hơn với các trào lưu.

Dù thế nào đi nữa, bài viết này muốn khẳng định suy nghĩ “không chấp nhận” trên và cung cấp nguồn động viên cho những ai muốn cố gắng thăng tiến tình cảm và tinh thần trong Đức Kitô.

Mục tiêu của bạn là gì?
Bạn có thể đang quan tâm đến việc sống khiết tịnh, tiết chế hoạt động ĐTLA như Giáo Hội đòi hỏi.

Có thể bạn cũng muốn vượt qua những cám dỗ đồng tính. Bạn phải chắc chắn đây là việc bạn thật sự muốn thực hiện trước khi bạn theo đuổi nó. Đây là một hành trình đầy thử thách. Hãy ghi nhớ rằng không ai ép buộc bạn. Điều này hoàn toàn là do bạn chọn lựa. Về mặt luân lý, Giáo Hội không cưỡng bách bạn làm như thế. Nhưng dù thế nào đi nữa thì đây cũng là một việc đáng bỏ công theo đuổi.

Tất cả sáu lĩnh vực phát triển này sẽ giúp đỡ một cá nhân hướng đến một hoặc cả hai mục tiêu. Chúng đòi hỏi một nỗ lực học hỏi rất lớn (và phần thưởng đạt được cũng không nhỏ chút nào), đòi hỏi phải nỗ lực hơn so với những cách chữa trị nhanh chóng dễ dãi mà người ta từng dùng trong xã hội.

Những kết quả khác nhau                                                                                                         Một số người có thể vượt qua hành vi tình dục đồng tính, một mục tiêu mà họ theo đuổi vì những giá trị Kitô giáo. Họ tiến vào đời sống khiết tịnh bằng việc phục vụ người khác và cảm thấy thỏa lòng. Cũng có người theo đuổi con đường khiết tịnh với nhiều cố gắng và cách thức khác nhau, họ đã cảm nghiệm sự tiến triển khuynh hướng tình dục khác giới. Một số khác quyết định không muốn từ bỏ hoạt động tình dục đồng tính nên họ quay lại khuynh hướng ấy. Cũng như tất cả những cuộc phiêu lưu đích thực, hành trình này không được bảo đảm kết quả.

Tiến bộ chứ không hoàn thiện
Bất cứ sự tiến bộ nào trong việc trưởng thành đều mang giá trị rất lớn. Đó là báo cáo về 99% trong số 860 người tham gia một nghiên cứu lâm sàng năm 1997 được thực hiện bởi NARTH (Hiệp hội Quốc gia Hoa Kỳ về Nghiên Cứu và Điều Trị Đồng Tính Luyến Ái), một số người trong số đó đã đạt đến chiến thắng trong việc phát triển một đời sống khiết tịnh, số khác cũng đã trải nghiệm sự tiến triển của khuynh hướng tình dục khác giới.

Thế nhưng mọi người đều cảm nhận rằng những trải nghiệm của họ thật đáng giá và hiệu quả. (Xem đầu đề tập sách dành cho giới trẻ “Vượt lên tình trạng đồng tính: Một báo cáo nghiên cứu về cách điều trị”). Lời khuyên tốt nhất khi bạn bắt đầu hành trình vươn tới sự trưởng thành là bạn hãy dâng hiến tất cả con người bạn và phó thác hoàn toàn cho Chúa.

Tiếng nói từ những trải nghiệm
Hãy nghiên cứu bản đồ để xem bạn có muốn đi theo con đường này hay không. Mỗi một lĩnh vực phát triển trong sáu lĩnh vực sẽ được minh họa bằng chính những câu nói của các thành viên cộng đoàn ‘Lòng Dũng Cảm’. Ví dụ, đây là lời trích của Tom, khi anh chia sẻ niềm hy vọng của mình:

“Nếu không bị quấy nhiễu bởi nỗi đau khi phải sống trong tình trạng ĐTLA, bạn sẽ không thể nào cảm nhận được niềm khát khao tìm cách thoát ra khỏi nó và ước muốn được tự do.”

SÁU LĨNH VỰC

1.Tình bạn
Đồng hành là một việc cần thiết như một phương thế để phá vỡ thói quen cô đơn, giúp ta học cách cởi mở, trở nên chân thành, kết bạn với những ai cùng chia sẻ các giá trị ta tin tưởng.

Đối với những ai không có cộng đoàn ‘Lòng Dũng Cảm’ nơi họ sống, hãy liên hệ với các thành viên “‘Lòng Dũng Cảm’ qua internet và sau đó làm bạn với những nhóm ở nhà thờ, giáo xứ, với các vị linh hướng, hoặc láng giềng,…để cảm nghiệm một tình bạn thực sự.

Đối với một số người, bạn đồng hành là những nhà tâm lý trị liệu. (Chúng tôi đề xuất bạn việc này, nếu bạn khát khao vượt qua cảm xúc đồng tính của mình, bạn nên tìm một người tham vấn của NARTH để giúp bạn, nếu điều kiện cho phép, vì đây sẽ là cách hiệu quả nhất trong nỗ lực này). Đối với người khác, người đồng hành có thể là vị linh hướng.

Người đồng hành cũng có thể là những thành viên ‘Lòng Dũng Cảm’, làng giềng hoặc bạn bè trong những công việc bạn quan tâm hay sở thích của bạn. Trong bất cứ trường hợp nào, đồng hành trong việc theo đuổi các giáo huấn của Giáo Hội là liều thuốc cần thiết cho hành trình này.

“Những người ở đây là những người bạn tốt nhất mà tôi từng gặp. Mỗi tuần khi đi qua cánh cửa ấy, tôi được gặp những anh chị em, họ chấp nhận tôi như một thành viên của một gia đình rất đặc biệt. Họ không xét đoán cuộc sống mà tôi đã bỏ lại phía sau nhưng họ mời gọi tôi bước tiếp và khi tôi ngã, họ ở đó để nâng đỡ và giúp tôi tiến lên.” (Sarah)

2. Đức khiết tịnh
Thói dâm dục theo kiểu đồng tính hoặc dị tính đều chôn vùi con tim chúng ta. Sự khiết tịnh (hay còn gọi là đức thanh sạch, sống và suy nghĩ trong sáng) là lời mời gọi và niềm hy vọng hạnh phúc cho mỗi người. Cuộc chiến đấu để đạt đến sự tự chủ đòi hỏi bạn phải tránh xa những hình ảnh cũng như những cơ hội cám dỗ đầy dẫy trong xã hội.

Áp dụng điều này với những ai lắng nghe, khích lệ…cùng với thật nhiều lời cầu nguyện. Phải kiên nhẫn, chúng ta dần dần mới có thể điều khiển bản thân, sẵn sàng kềm chế khi ngọn lửa ham muốn khuấy động mình. Chỉ khi đó, nhu cầu và niềm hy vọng đích thực của con tim mới hé lộ.

“Việc nuôi dưỡng tình bạn trong sáng với những anh em khác, những người thực sự quan tâm đã trở nên một phần quan trọng trong hành trình của tôi. Cuộc sống khiết tịnh hầu như là điều không thể nếu như không có sự nâng đỡ của người khác. Chúng tôi cùng nhau chiến đấu và Chúa Thánh Thần đã phá tan xiềng xích của tình trạng ĐTLA và giải thoát chúng tôi để trở nên con người như Chúa mời gọi.” (Rich)

3.    Cầu Nguyện
Hầu hết (nhưng không phải tất cả) những ai được hồi phục khỏi tình trạng đồng tính đều cho rằng khả năng kiểm soát ham muốn và việc chữa lành nỗi buồn sâu thẳm trong con tim họ là nhờ Chúa. Bằng việc cầu nguyện, họ học cách lãnh nhận và trao ban cho người khác khả năng biến đổi của việc được tha thứ.

“Tôi đã cầu xin Chúa. Người đã đưa tôi đến nơi của tình bạn. Tại ‘Lòng Dũng Cảm’, tôi bắt đầu hiểu những gì Hội Thánh chỉ dạy và cảm nghiệm tình yêu của cộng đoàn. Nơi đây, tôi cũng đã xin Chúa tha thứ và giúp sức cho tôi. Tôi đã cầu nguyện với Chúa nhiều hơn và nhiều hơn nữa, trong phòng tôi, nơi cộng đoàn và trước Thánh Thể. Khi xưng tội, tôi đã nói với Chúa tất cả những gì tôi đã phạm. Tôi khóc, xin Người tha thứ và giúp tôi tìm ra lối đi Người muốn qua tất cả những việc này. Vì Người đã hứa, qua thời gian, tôi bắt đầu cảm nghiệm một nơi chốn yêu thương và chữa lành nội tâm. Tôi cảm tạ Chúa Giêsu đã tha thứ và chúc phúc cho cuộc đờI tôi.” (Peter)

4.    Chữa Lành
Mối liên hệ với người cùng giới (như giữa bố và con trai, hoặc mẹ và con gái) là một nhu cầu phá triển căn bản của trẻ nhỏ. Nếu sự liên hệ này không được đáp ứng bởi những thành viên trong gia đình, sự thiếu thốn ấy gây ra một vết thương nơi sự tự tin của đứa trẻ khi chúng thiết lập mối liên hệ ngoài gia đình với các đứa bé trai, bé gái khác. Ở tuổi dậy thì, sự thiếu hụt ấy bùng phát dưới hình thức là những khao khát của giới tính. Nhu cầu thực sự ấy ẩn núp đằng sau sự ngụy trang, che lấp của tình dục mà chỉ có đức khiết tịnh mới có thể tháo gỡ. Sau đó, khi những vết thương cũ dâng cao đến mức cần giải tỏa thì một trái tim thanh khiết sẽ dần dần học cách gắn kết và rồi nhu cầu tin tưởng nơi người nam hoặc người nữ đó sẽ được bổ sung và lấp đầy. Chỉ khi đó, sự trưởng thành mới thực sự bắt đầu, có khi thậm chí những cuốn hút khác giới có thể sẽ hé lộ.

“Tôi lớn lên trong sự hục hặc với bố tôi. Vì công việc, ông ấy chẳng lúc nào ở bên tôi với tình thương. Ở tuổi 14, tôi cảm thấycó những cuốn hút đồng tính đầu tiên, nhất là đối với những người lớn tuổi như bố mình. Trong quá khứ những cảm xúc như thế đã thình lình xảy đến với tôi, nhưng khi tôi hiểu thế nào là sự đụng chạm lành mạnh – như một cái ôm thật chặt, một cái siết tay – và khi tôi tìm được một tình bạn (cùng giới) đáng tin cậy, những ham muốn đồng tính giảm đi và không làm tôi liên tục bị khó chịu nữa. Tôi hiểu ra rằng tình trạng đồng tính của tôi không phải do giới tính nhưng là do nhu cầu yêu thương đích thực từ người cùng giới. Đó là cách thức mà cơ thể mách bảo cho con tim tôi: “Có điều gì đó không ổn”. Và giờ đây lần đầu tiên trong đời, ước muốn một mối liên hệ với một bạn nữ đã bắt đầu dâng lên trong tôi. Tôi không thể diễn tả cho bạn nó đã xuất hiện tuyệt vời thế nào trong giai đoạn mới của đời tôi.” (Mark)

5.    Kiến thức
Thử thách to lớn trong việc tách biệt thực tế và ảo tưởng là điểm mấu chốt của hành trình này. Để chấm dứt việc hành động theo cảm xúc đồng tính, cá nhân ấy phải trả lời được những lý lẽ sai lầm của xã hội vốn gây nghi ngờ và làm thoái lui tác dụng của việc trưởng thành và cố gắng muốn vươn lên. Để có thể tự do thoát khỏi hành vi đồng tính, đòi hỏi phải học hỏi và suy nghĩ nhiều. Cá nhân ấy cần trở thành người có óc nhận xét cứng rắn và độc lập.

“Qua việc tìm được cộng đoàn ‘Lòng Dũng Cảm’, tôi đã nhận thấy một cánh cửa dẫn đến những kiến thức về đồng tính và cách thức vượt lên những giới hạn của nó. Tôi gia nhập cộng đoàn này năm 1993 và khám phá ra một thế giới mà tôi chưa bao giờ biết đến trước đây: sự chân thành và hiểu biết. Và điều thú vị hơn hết là niềm hy vọng qua kế hoạch chữa lành và trưởng thành được rút ra từ những chỉ dạy của Hội Thánh và sự khôn ngoan của các chuyên gia trong lĩnh vực này.Việc họ hướng dẫn tôi đến sự thật bằng tình yêu thương và lòng trung thành, đã khiến tôi dốc sức để trưởng thành về mặt tình cảm, tinh thần và tâm linh trong Chúa. Điều này đã  làm nên tất cả sự khác biệt.” (Jane)

6.    Phục vụ
Hành trình dẫn đến chữa lành đòi hỏi sự quan tâm rộng rãi không chỉ những vấn đề của cá nhân mà còn của người khác. Nếu một người có thói quen chỉ nghĩ về mình thì họ phải học cách đến gần với người khác hơn và hãy khám phá một chân lý cổ xưa, đó là cho thì vui hơn nhận. Vượt lên chính mình trong việc cho đi cũng là tìm thấy bản thân một cách sâu sắc hơn.

 “Chúng tôi đã phục vụ người khác bằng việc trao tặng tình bạn trong sáng và đón nhận chân thành. Chúng tôi khuyến khích nhau cùng phát triển đời sống cầu nguyện và trung thành với Bí tích Thánh Thể cũng như củng cố và làm mới tâm hồn. Chúng tôi mang đến yêu thương và chấp nhận người khác với tất cả con người của họ. Không người nào ở đây đòi hỏi chúng tôi phải xưng thú tội lỗi, lỡ lầm hoặc thất bại để xem xét mục tiêu của chúng tôi nhưng nếu có ai đó chọn cách này, họ cũng được lắng nghe với tình thương và không bị lên án. Việc chữa lành nội tâm xảy ra khi nỗi sợ hoàn toàn vắng bóng. Đó là khi chúng tôi phục vụ lẫn nhau.” (Charles)